LCB
Dang Lanh Hoang: Đồng xu 5 DM

Dang Lanh Hoang: Đồng xu 5 DM

Zur Übersetzung Zum Digital Essay

Mừa hè năm 1989, trên sân ga Berlin-Schöneweide.
Tôi đang đứng chờ chuyến tàu chạy về Alexanderplatz thì một chị phụ nữ trẻ tiến đến gần, khẽ khàng cất tiếng hỏi: „Taxi đâu?“. Cũng phải mất một lúc, tôi mới vỡ nhẽ: Trước mặt tôi là một thanh nữ Ba Lan, và chị ta muốn hỏi tôi xem bến đậu xe Taxi ở đâu. Tôi đáp: „Ngoài kia kìa, chỗ lối vào, phía bên tay trái ấy“. Người thanh nữ quay người, đi về phía một phụ nữ khác, trông lớn tuổi hơn, đang đứng chờ cạnh cầu thang dẫn từ sân ga xuống gian tiền sảnh. Một lô một lốc những vali, túi xách cồng kềnh đủ loại xếp một đống trước mặt bà.
Chả là dạo ấy, dân chúng Ba Lan được phép quá cảnh Đông Berlin kéo sang Tây Berlin rất đông; nghe đâu bên Tây Berlin thậm chí còn cả một khu chợ trời, gọi là „chợ Ba Lan“ thì phải. Bởi vậy, dạo đó ở khắp Đông Berlin, chỗ nào cũng có thể gặp người Ba Lan, đàn ông, đàn bà, già trẻ. Tại các nhà ga, như ga Trung tâm (bây giờ là ga Đông) hay ga Friedrichstrasse, các đoàn tàu hỏa hướng về phía Đông đều đầy dân Ba Lan mang vác hàng hóa từ Tây Berlin về, trước con mắt vừa bực bội vừa không ít ganh tị của công dân nước CHDC Đức anh em.
Thật khó mà hiểu được hai người đàn bà kia đã bằng cách nào mà tha được bấy nhiêu vali, túi xách về đến đây, đến ga Schönerweide này. Thế nhưng, chỉ thoáng nhìn là tôi hiểu ngay rằng họ không thể tự mình mang được bấy nhiêu đồ đạc, xuống hết cầu thang, rồi băng xuyên cả gian tiền sảnh dài dằng dặc đến bến đậu Taxi ở cổng vào nhà ga được. Trông họ đến là bất lực, cả hai đưa mắt nhìn quanh, vô vọng chờ mong xem ai đó trong số hành khách đi ngang sẽ giúp họ.
Ở Berlin, thường vẫn thế. Đã lên đường đi đâu thì ai nấy chỉ còn nhăm nhăm để ý đến giờ tàu xe chạy, để không bị nhỡ chuyến xe buýt, chuyến tàu S-Bahn, U-Bahn hay tàu điện của mình. Tại bến xe hay bếu tàu, ngồi trên xe buýt hay tàu điện, ai nấy đều chúi mũi vào tờ báo, quyển sách nào đó hoặc chìm đắm trong suy nghĩ riêng tư, không mấy ai còn thời gian và tâm trí để ý đến mọi việc xảy ra xung quanh mình. Ấy là chưa kể mùa Hè năm 1989, có lẽ là mùa Hè hết sức đặc biệt với tất cả mọi người trên thế gian này, nhưng trước hết, là đối với những ai hồi đó sống ở Berlin, ở CHDC Đức, hay lưu lại vài ngày trên mảnh đất đó thôi. Trên các sân ga, ngoài dân Ba Lan ra còn thấy lố nhố nhiều thanh niên nam nữ trẻ trung, đi riêng lẻ hay tụm thành nhóm, người nào người nấy đều khoác những chiếc ba lô khổng lồ trên lưng. Người ta kháo đùa với nhau: Dân Berlin không ai muốn đi tàu điện ngầm U-Bahn hay tàu điện nhanh S-Bahn nữa. Tại sao thế? Để khỏi nghe tiếng loa người gác sân ga: „Xin (hành khách) dừng lại!“ (Cũng có thể hiểu là „Hãy ở lại!“, bởi thời gian đó, làn sóng người Đông Đức muốn sang tị nạn tại Tây Đức rsst đông)
Không trung trĩu nặng một bầu không khí khó tả, một mớ hỗn độn những lo âu sợ hãi, bất bình nhưng cũng có cả niềm vui, hy vọng, hân hoan, hể hả. Có lẽ vì thế mà người ta càng có ít thời gian cho mình và cho thế giới xung quanh, ai nấy đều vội vội vàng vàng, như thể muốn biến thật nhanh khỏi đường phố, chui vào nhà mình, vào khoảng không gian của riêng mình giữa bốn bức tường quen thuộc.
Gì chứ thời gian thì tôi có thừa. Sau giờ làm việc, chẳng có gì, cũng chẳng ma nào trong căn hộ một phòng của tôi tại Nhà khách Viện Hàn lâm chờ mong tôi sớm về, ngoài những câu chuyện buồn chán, vô thưởng vô phạt với tay quản gia hoặc với hàng xóm trong nhà khách. Không kể chuyện thời thơ ấu tôi từng nhiều năm sống ở Varshava, tôi vẫn sẵn có thiện cảm thế nào đó với người Ba Lan. Trong vai trò thành viên của hai dân tộc buôn bán giỏi, đồng thời, lại là công dân hai quốc gia “ưa chơi vai nước lớn”, dân Việt và dân Ba Lan thường dễ thông cảm nhau. Ấy là chưa kể người thanh nữ bắt chuyện với tôi trông đến xinh, tóc vàng, duyên kiểu thanh nữ thôn quê, lại có vẻ rụt rè.
Tôi bước nhanh đến bên hai người đàn bà nọ. Tôi nói: „Các chị đi với tôi, tôi chỉ bến xe Taxi cho!“ Ba chúng tôi hì hục một lúc thì cũng đem được hết số hành lý họ mang theo ra bến Taxi. Sau khi ông lái xe không nói không rằng và không mấy thiện chí đã chất hết hành lý của họ lên xe, tôi chia tay họ. Hai người chui vào xe, còn tôi, quay người trở lại ga nhưng vẫn ngoái đầu nhìn chiếc xe vừa nổ máy. Đã ngồi trong xe, chị thanh nữ chợt nhanh chóng bước xuống và chạy theo tôi. Đuổi kịp tôi ngay cửa vào ga, miệng chị vừa nói nhanh „Cảm ơn! Djenkujie!“, tay chị vừa nhét nhanh cái gì đó vào túi áo ngực tôi. Tôi chưa kịp hiểu đầu đuôi thế nào thì chị đã quay người vội vã trở lại, chui nhanh vào xe. Và chiếc xe, cứ thế là lăn bánh rời đi.
Đấy là một đồng xu, mang hình con đại bàng. Ngồi trên tàu về nhà, thoạt đầu, tôi cứ tưởng đó là đồng tiền xu Ba Lan, đồng Złolty. Cô này tặng mình đồng Złolty làm kỷ niệm chắc? Kể cũng thú vị! Về đến nhà, tôi mới ngắm nghía kỹ đồng xu và phát hiện hóa ra đấy là đồng xu 5 DM; một mặt có dòng chữ 5 Deutsch Mark, mặt kia – Bundesrepublik Deutschland (CHLB Đức). „À, ra thế, cô bé trả công mình đã giúp cô ấy đây. Dễ thương thật!“ tôi tủm tỉm cười, nghĩ bụng.
Nếu đem đổi chui qua tay các nhân viên sứ quán Việt Nam hay qua một số dân cùng quê hương Việt Nam với mình hồi đó vẫn tụ tập ở gần Alexanderplatz, tại cái góc phố mà bây giờ là rạp chiếu phim Cubix để buôn tiền Tây Đức và US dollar, thì đồng 5 DM của tôi đáng giá khoảng 50 Mark CHDC Đức. Với đồng 5 DM này, giá có đem vào của hàng Intershop cạnh Palasthotel – nơi mà hơn 10 năm nay khu nhà gọi là AquaDom hống hách ngự trị – thì tôi cũng chẳng mua được gì quí giá. Bởi thế, đồng xu 5 DM cứ thế mà trung thành nằm im trong ví tiền tôi, và chẳng bao lâu sau, ai mà ngờ được, đã cùng tôi trải qua những ngày tháng có lẽ là sôi động nhất của lịch sử nước Đức hiện đại.
* * *
Bức tường Berlin đổ đã được dăm tháng, tôi mới lần đầu tiên sang Tây Berlin theo lời mời của một đồng nghiệp Đức đến thăm nơi ông ấy làm việc tại Viện Fritz-Haber ở Dahlem. Chuyến đi lần đầu tiên của tôi sang Tây Berlin, với những Kudamm, Zoo, Nhà thờ Gedächtniskirche, kể cũng lạ, không gây cho tôi nhiều ấn tượng đặc biệt lắm như ban đầu tôi tưởng. Tôi hầu như không nhớ gì nữa về ngày hôm ấy, ngoài cảm giác sung sướng, hồi hộp lúc qua cửa khẩu biên giới cũ tại ga Friedrichstrasse. Và ngoài một chuyện nho nhỏ mà cho đến giờ, mỗi khi nhớ đến, tôi vẫn không khỏi không suy nghĩ.
Sau buổi làm việc ở Dahlem, tôi đi tàu điện ngầm quay lại ga Zoo rồi lững thững đi bộ về phía Nhà thờ Gedächtniskirche. „Mình phải gọi điện cho chị bạn từ đây mới được“ tôi tự nhủ. „Gì thì gì mình cũng lần đầu tiên đặt chân lên Tây Berlin“. Chị bạn tôi, hồi đó ở ngôi nhà nằm ở phía Đông, ngay cạnh bức tường ngăn Đông Tây trước đây. Nhưng tôi không có đồng tiền Tây Đức nào trong ví, ngoài đồng xu 5 DM người thanh nữ Ba Lan hồi nào trả công khuân vác cho tôi. Lưỡng lự mất một lát, tôi mới đánh bạo hỏi một người phụ nữ đứng tuổi, ăn mặc sang trọng và cung cách quí phái đi ngang qua:
– Xin bà cho phép, tôi từ bên kia sang, tôi muốn được gọi điện từ đây về nhà. Bà làm ơn đổi giúp tôi đổng 5 DM được không ạ?
Người đàn bà trông vẻ quí phái nọ không trả lời ngay. Bà nhìn tôi vài giây từ đầu đến chân bằng ánh mắt lạnh lùng, rất lạnh lùng là đằng khác, rồi cất tiếng nói chậm rãi, rất mực kiềm chế, đôi môi chỉ hơi mấp máy đủ để tôi nghe:
– Nhưng ta là người ở bên này! Nên ta không muốn có chút dính dáng nào với các người ở bên ấy.
Đoạn, bà bước đi tiếp, chậm rãi, như một con chim diều ăn rắn, mà theo tiếng Đức nôm na là chim thư ký (Secretary-bird) trong vườn thú nằm gần đây, hết mực điềmh tĩnh, kiêu hãnh, bất cần. Tôi ngạc nhiên nhìn theo bà, bụng bảo dạ: „Chà! Thế mà mình cứ tưởng bở ai ở đây cũng sẽ chia sẻ với mình niềm vui được gọi điện từ bên Tây về nhà ở bên Đông kia đấy.“
Việc tôi cần đổi đồng tiền 5 DM thành tiền xu lẻ để gọi điện thoại công cộng được giải quyết nhanh chóng, vui vẻ, không chút rườm rà quan liêu kênh kiệu, nhờ anh bán hàng rau quả người Thổ đầy thiện chí trong quầy hàng dựng bên vỉa hè ngay gần đó.

 

360